Tác giả

DƯƠNG HÀ













Trước tháng Tư Đen 1975, dân chúng miền Nam Việt Nam đón Xuân rộn ràng qua những cành mai nở vàng rực rỡ, rất nhiều nhà có trồng một vài cây mai ngay bên lối ra vào hay trong sân nhà. Người miền Nam quý bông mai lắm vì từ ngàn xưa người ta vẫn cho rằng hoa Mai đã đem đến nhiều may mắn nên được xếp vào loại hoa quý nhất trong hàng nhiều thứ hoa, nó nở rộ vào dịp Xuân về Tết đến, mà lại nở đúng vào ngày mà người chủ đã ước định, miễn là gia chủ khéo căn khi lặt lá trước thời gian, hoặc biết kích thích cho hoa nở đúng hạn kỳ. Trong nhiều bức tranh cổ xưa vẫn còn còn lưu truyền cho đến ngày nay thì bức tranh Tứ Bình, đã vẽ bốn loại hoa quý là Mai, Lan, Cúc, Trúc. Ngoài ra còn lưu truyền bức tranh tứ thời, cũng vẽ bốn loại hoa cảnh nổi tiếng nữa là Tùng, Cúc, Trúc, Mai hay Lan, Sen, Cúc, Mai. Tựu chung thì dù người ta ở thời đại nào, dù có thay đổi quan niệm việc thưởng ngoạn, có những năm tiết trời trở lạnh thì chúng ta vẫn thấy có sự hiện diện của hoa Mai:

Hoa mai năm cánh giữa mùa đông
Bừng ngát hương thơm thắm mộng lòng
Trong tôi bỗng nở mai vàng thắm
Một đóa hoa lòng thơm ngát trong.
(Mai Vàng Nở Giữa Mùa Đông- Nguyễn Thị Tê Hát)

hay

Đua chen thu cúc, xuân đào
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông (Bích Câu kỳ ngộ)

Như đã nói ở trên, trước 30-4-1975 (mà ta thường gọi là tháng Tư Đen -75), miền Nam Việt Nam chưa bị nạn Cộng sản nhuộm đỏthì nơi đây có rất nhiều hoa Mai, tại miền Trung có hoa Mai nhiều nhất là hai tỉnh Quảng Nam và Bình Thuận. Riêng tại thủ đô Sài Gòn vào những ngày sắp Tết nguyên đán thì những cây Mai hoặc cành Mai từ khắp các tỉnh miền lục tỉnh, nhiều nhất là từ Sa Đéc, và các tỉnh miền Trung như Đà Lạt, Lâm Đồng đổ vào Sài Gòn hàng trăm loại hoa, đáng kể nhất là hoa Mai vàng rực rỡ.

Giữa muôn hoa bày tại chợ hoa Nguyễn Huệ như hoa hồng, lay-ơn, hoa cúc v.v. khoe hương sắc, nhưng người ta vẫn nườm nượp ùa tới những gian hàng bán Hoa Mai, để tha hồ mà nhìn ngắm rồi so sánh để lựa chọn những cành mai vàng năm cánh mỏng như lụa, hay những cây Mai trồng trong chậu nở hoa vàng đang rung rung nhẹ trước cơn gió. Hoa Mai chính là bạn lâu đời nhất của dân Miền Nam, quanh năm sống gần gũi trước ngõ hay sau vườn. Mai còn sống heo hút trong rừng sâu núi thẳm, mà hy vọng của nó thì chỉ có những ngày Xuân về Tến đến thì mới được hiện diện vui Xuân nơi chốn thị thành vui với mọi nhà.

Hoa mai thường chỉ có năm cánh. Nhưng ngày nay theo phương pháp lai cành chiết giống nên người ta đã tạo ra được rất nhiều loại giống mai mới, có loại người ta tạo cho Hoa Mai nở tới mười cánh, có loại hoa mai tới hai mươi cánh với các màu sắc loè loẹt sặc sỡ đủ màu như trắng, vàng hoặc có tay chơi đã ghép đủ màu sặc sỡ nên nhiều khi trở lên lố bịch kịch cỡm. Đây là sản phẩm tự chế của những kẻ ở cái xã hội chủ nghĩa việt cộng, câu tục ngữ ‘’ở bầu thì tròn, ở ống thì dài’’ cho nên những kẻ ở với chế độ này đã làm biến đổi loạn xạ, họ quen xét đời qua giá trị của sản phẩm vật chất mà không cần biết tới cõi hồn tinh khiết bên trong, dù đó là hồn nước, hồn người hay hồn hoa tươi thắm đượm, bởi thế đã tạo hình hoa mai một cách kỳ quái như vậy.

Cây Mai có thân hình khẳng khiu nhưng khó gẫy nên vẫn ẻo lả duyên dáng dễ thương, cánh hoa thì màu sắc thắm tươi, mỏng manh cho đến khi lìa cành mà màu sắc vẫn không thay đổi. Mai được xếp đầu trong các loại hoa. Hoa mai nở rộ trong những ngày đầu Xuân. Hoa Mai cũng là đề tài tạo hứng nên đã làm cho các tâm hồn của những văn nhân thi sĩ, họa sĩ, hay nghệ nhân sáng tạo những tác phẩm để đời. Chính vì như thế mà họ đã lưu truyền cho hậu thế rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, nói về các loại Hoa Mai rất đặc sắc và trữ tình, như loại Mai chiếu thuỷ dưới đây

Khiêm nhường đứng giữa mênh mông
Buồn vui thế sự… đục, trong… cõi người
Biết mình phận chẳng thắm tươi
Li ti cánh trắng mỉm cười trao hương
Không như muôn thuở lẽ thường
Nhởn nhơ khoe sắc, hướng dương phô mình
Thăng trầm lòng vẫn lặng thinh
Thản nhiên dưới lá, dấu mình sau cây.
Gương soi mặt nước hồ đầy
Bốn mùa thơm một sắc gầy thủy chung
Đơn côi quen với lạnh lùng
Nắng mưa chẳng cậy bách tùng chở che.
Xốn xang nắng dội trưa hè
Bóng mình nghiêng xuống lắng nghe nỗi đời…
Với ai cuối đất cùng trời
Một loài hoa… một kiếp người hóa thân! (Mai Chiếu Thủy - Lệ Thu)

Trong Văn Chương Cổ Điển còn kể đến những loại Hoa Mai như sau:

Mai Vàng tại miền Nam VN : Loại Mai này hoàn toàn khác biệt với giống Mai vàng đã có từ lâu đời tại Miền Nam VN. Một giống Mai có tên khoa học là Prunus Mume, nó thuộc họ Hoa Hồng (Rosaleal). Loại hoa Mai này rất khác với Mai giống Mai vàng đã hiện diện ở miền nam Việt Nam từ lâu đời ; loại Mai này họ hàng rất gần với cây Mơ mang tên khoa học Prunus Armeniaca Lin, hay cùng giống với cây Đào (Prunus Persica Stokes). Hoa Mai này có hoa năm cánh, có nhiều màu : trắng, hồng hay đỏ thẫm huyết dụ, toả hương thơm thoang thoảng. Trái Mai lúc chưa chín thì màu xanh, nó biến thành màu vàng khi đã chín. Ở miền Quý Châu Trung Quốc, người ta thường đem sấy khô thành quả Ô Mai hay Ô Môi và đem qua Việt Nam bán mà chúng ta thường gọi là Xí Muội. Trong văn chương cổ điển Trung Hoa lại gọi loại này là loại Mai trúc.

Tại Miền Nam VN có loại Mai vàng:

Tên khoa học của loại Mai vàng này là Dohna Harman, nó thuộc họ Hoàng Mai Ochnaceae. Mai vàng không có mùi thơm, còn trái của nó thì chỉ nhỏ bé bằng hạt đậu, khi còn tươi có màu xanh, khi cây chết thì trái biến thành màu đen, trái cây này không ăn được. Còn có một giống Mai thuộc họ Tre vì thân nó thì dài lại thẳng đứng, có nhiều đốt như cây tre mà vỏ thì dầy, có lá to. Loại Mai này thường mọc trong rừng, người ta thường đốn với tre đem về làm nhà cưa từng khúc làm ống đựng nước uống, tuy nó dược gọi là Mai nhưng lại rất khác biệt với hai loài hoa Mai vừa nói ở trên.

Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những tre cùng nưa lấy ai bạn cùng (Tục ngữ Phong dao)

Được biết các giống Mai đều chịu đựng được các thời tiết đổi thay, dù cho ấm áp hay giá buốt, thường vào mùa Xuân về Tết đến, Mai luôn ngạo nghễ nở hoa, để chào đón chúa Xuân, trong phút giây giao mùa. Bởi vì Mai có bản sắc cuồng ngạo đó nên nó đã lôi cuốn nhiều người kể cả nghệ nhân vào cuộc chơi với Mai vì Mai chính là hiện thân của hàng kẻ sĩ, của các đấng trượng phu, anh hùng mã thượng, tượng trưng cho sức chịu đựng tất cả tang thương dâu biển của cuộc đời, bất chấp cả cuồng phong bão táp cốt sao đạt cho được mục đích cuối cùng đó là ích nước, lợi dân, làm đẹp cho xã hội loài người. Và chỉ có Mai mới đủ làm biểu tượng cho lớp người có chí anh hùng, đấng trượng phu, coi thường danh lợi và phú quý coi như tất cả là phù vân, trong mắt họ thì vua, quan hay những kẻ cầm quyền thối nát là loài cỏ rác, họ coi bọn khoa bảng trí thức là xu thời, nịnh bợ, a dua chỉ biết nhắm mắt chạy theo bả vinh hoa phú quí, chẳng khác nào sâu bọ, cầm thú đội lốt người. Thời đại của Chu Thần Cao Bá Quát, với chí hiên ngang ông đã viết:

Thập tái luận giao cần cổ kiếm
Nhất sinh đề thủ bái mai hoa

Cũng như hoa Đào, hoa Mai cũng được các văn nhân thi sĩ dùng làm cảm hứng để diễn tả nét đài trang, thanh nhã của những người đàn bà đẹp trong các thời đại cổ cũng như tân. Trong Đoạn Trường Tân Thanh mà ta thường biết với tên Kim Vân Kiều hay Truyện Kiều, cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã viết khi tả về sắc đẹp của hai chi em Thúy Kiều và Thuý Vân :

Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Một người một vẻ, mười phân vẹn mười. (Kim Vân Kiều - Nguyễn Du)

Những Người Lịch Lãm , Kẻ Bình Dân Với Mai:

Mỗi độ Xuân về, người chơi Mai một cách khác nhau chứ không ai giống ai cả, nhất là đối với những tao nhân mặc khách. Còn đối với giới bình dân, khi lựa chọn một cành mai để vui ba ngày tết thì chỉ cần có nhiều hoa nở đúng vào lúc giao thừa. Và sau đó hoa Mai vẫn còn tiếp tục nở rộ và lâu tàn ít nhất là trong ba ngày Tết, như thế cũng là quá đủ rồi vì đối với họ, đó là điềm báo trước có được sự may mắn cho năm mới mà họ mong chờ.

Nhưng đối với lớp người khá giả, tức là những người có tiền thì khi chọn mai để thưởng thức phải là Mai còn trong chậu, cây Mai phải to và cao, hoa lá xum xuê, nhìn vào là thấy cây hoa Mai đồ sộ để chứng tỏ với hàng xóm láng giềng về sự giàu sang sung túc của chủ nhân nó. Còn đối với những tao nhân mặc khách, hoặc giới nghệ sỹ sành điệu, thì cây hoa mai không phải là loài vô tri, mà nó có sức sống tiềm ẩn như là một sinh vật có cảm giác, biết vui biết buồn hoà chung với người thưởng ngoạn, nên nhiều người đã mệnh danh cho rằng “ Hoa Mai là hoàng hậu của các loài hoa” nên đã được ái mộ, nâng niu, chiều chuộng đúng với câu tục ngữ - Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa – Và tuỳ theo màu sắc người đã đặt tên cho hoa Mai :

- Bạch mai, Chi Mai, Mai Ngự sử là tên hoa Mai có màu sắc trắng như tuyết.

- Mai Thanh Đài là tên hoa mai có sắc màu xanh

- Hoàng Mai, Lạp Mai là tên hoa mai có sắc màu vàng (loại hoa Mai này chỉ nở vào những ngày cuối mùa đông)

- Hồng Mai là tên hoa mai có sắc màu đỏ.

- Mai Thanh Đài Lục Ngạc là tên hoa mai có 6 cánh đan chéo vào nhau như sừng nai, màu xanh. - -Mai Chuỗi là tên hoa mai có hoa và trái kết thành chuỗi.

- Mai Chiếu Thủy là tên hoa mai có sắc màu trắng, cánh nhỏ, thường mọc nghiêng xuống mặt nước, nếu ta trồng bên bờ hồ hay sông nước (loại hoa mai này quý hiếm).

- Mai tứ Thời, Mai tứ quý là tên hoa mai có hoa suốt năm, cả bốn mùa ta đều thấy nó trổ bông.

Không rõ loài Hoa Mai xuất hiện vào thời đại nào trên mặt địa cầu, có người cho rằng có lẽ nó xuất hiện từ lâu lắm rồi vì Mai là một loài hoa có sức chịu dẻo dai, không chết trong thời tiết băng giá của mùa đông để có thể trổ nụ đâm bông vào buổi giao mùa giữa tiết đông giá rét, trỗi dậy để nở hoa khi qua mùa xuân tiết trời ấm áp, có nghĩa là chuyển tiếp từ lạnh lẽo qua ấm áp, năm cũ qua năm mới.

Hoa Mai có năm cánh nó kết thành vòng tròn, ta có thể nói đó là biểu tượng ánh thái dương lan tỏa của tiết trời ấm áp, nắng ấm toả xuống chan hoà cho trái đất hồi sinh và nhân gian được vui vẻ, nhất là vào buổi sáng của những ngày đầu xuân. Với các đặc tính như thế nên loại hoa này mới được gọi là Hoa Mai.

Hoa Mai là giống hoa mà người ta đã đặt cho nó nhiều tên rất trân quí nên cũng có nhiều giai thoại làm nền cho văn chương phong phú thành những điển tích :

1. Cái ngày mà Vương Ông gặp nạn khiến con gái của ông là Vương Thuý Kiều phải bán mình chuộc mạng cho cha, khi nàng phải theo tên Mã Giám Sinh về Lâm Tri thì có một đêm nàng buồn bã và ôm mặt khóc dưới bóng đèn khuya leo loét, buồn đứt ruột tím gan khi nhớ đến Kim Trọng, người yêu của mình đang rong ruổi xa ngoài muôn dặm. Để diễn tả cảnh đau thương bi đát đó Nguyễn Du tiên sinh đã mượn điển tích Trúc Mai mà viết :

Tái Sinh chưa dứt hương thề

Làm thân trâu ngựa đền bù Trúc Mai (Kim Vân Kiều - Nguyễn Du)

Vậy Trúc-Mai là gì ? Nó chính là hai loại cây vẫn xanh tốt trong mùa đông băng giá. Nói về đặc tính của hai loại cây này là ‘’Trúc bất chỉ thiên, Mai bất chỉ địa’’, nên cho là một sự hòa hợp âm dương tuyệt diệu. Cũng có sách lại cho rằng ‘’Lưỡng bạn thư vũ tùy bút ‘’ vì sách này có ghi lại câu chuyện Trúc Mai như sau: Vào những mùa đông, các tao nhân mặc khách, không ai bảo ai mà vẫn thường hay tới Đầm Long Môn của tỉnh Quảng Đông để vãn cảnh và thưởng ngoạn rừng Trúc-Mai vì nơi đây họ thích thú khi thấy những cây Trúc Mai vẫn xanh tươi giữa mùa đông trong cảnh tuyết rơi hay đã đóng băng giá buốt lạnh lẽo. Nơi đây có hai giai nhân tài tử tên Hoàng Kỳ Mai và Lam Bá Trúc đã có dịp làm quen với nhau rồi yêu nhau thắm thiết. Nhưng mà nghịch cảnh nào đó nên họ phải chia tay nhau, trước lúc phân kỳ Lam Bá Trúc bẻ một cành Mai còn Hoàng Kỳ Mai thì lại bẻ một nhánh Trúc trao đổi lẫn nhau để làm kỷ vật. Kết quả đôi trai tài gái sắc được kết hơp nên duyên vợ chồng nên từ đó hễ nói tới tình yêu trai gái, vợ chồng, người đời thường dùng điển tích Trúc Mai để tả lại cảnh đoàn tụ và sự yêu nhau khắng khít.

2. Trong tập ‘’Kiến Văn Tiểu Lục’’ của nhà học giả Lê Quý Đôn, nói về đời tư của Hồ Quý Ly có nhắc tới một điển tích Nhất Chi Mai.

Vậy Nhất Chi Mai là gì ? Theo sách vở cho biết tổ phụ của ông Hồ Quý Ly là người Tàu, đã tỵ nạn vì chiến tranh nên di cư sang Đại Việt và định cư tại đây. Khi ông khôn lớn đi tìm công việc làm và tạo danh giá cho chính bản thân mình, cho nên Hồ Quý Ly đã bỏ làng quê ra đi để đến chốn thị thành. Ông đã đi về phía kinh đô Thăng Long. Trên đường đi ông đã lượm được một cuốn sách lăn lóc cạnh đường đi, cầm lên đọc, ông thấy nhan đề là ‘’Quảng Hàn Cung Lý Nhất Chi Mai’’. Nhờ nó nên ông đã có được nhiều kiến thức chính trị và quân sự nên Ông được vua Trần Nghệ Tông trọng dụng, được thăng quan tiến chức thật nhanh. Rồi có một hôm nhân các triều thần hội họp, các quan văn võ đều có mặt trong cung, Vua Nghệ Tôn mới chỉ vào rừng quế, quanh điện Thiên Thủ mà ra một câu đối:

Thanh thủ điện tiền thiên phụ quốc

Trong lúc các quan chưa kịp ứng đối, thì Hồ Quý Ly chợt nhớ tới nhan đề của cuốn sách mà trước đây mình đã tình cờ lượm được trên đường đi khi đến Thăng Long, nên đã đối đáp được ngay:

Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai

Nhà vua vui mừng, cho đó là duyên kỳ ngộ nên đã đem công chúa gả cho Hồ Quý Ly. Từ lúc đó họ Hồ mới có được cơ hội xây dựng thế lực để cướp ngôi nhà Trần sau khi Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông băng hà.

3. Một điển tích nữa đó là “Mai Trường An” hay còn có tên là « Mai Tứ Quý »

Điển tích này được rút ra từ câu chuyện về nàng Tây Thi, một cô gái nước Việt đã giúp Vua Việt Câu Tiễn đánh bại Ngô Phù Sai, rửa nhục và thu hồi lại đất nước đã mất. Điển tích trên cũng như đã nhắc tới câu chuyện nàng Dương Thái Chân, tức là Dương Quý Phi, ái thiếp của vua Đường Minh Hoàng. Vào thời đó có Lục Khải làm quan tại tỉnh Giang Nam. Một hôm nhân có lính trạm (tức là người lính cỡi ngựa để đưa thư), người lính là phu trạm ấy mang thư về kinh đô Trường An nên ông Lục Khải đã bẻ một cành Mai để gửi về tặng bạn là Phạm Việp, có kèm theo một bài thơ:

Chiết Mai phùng dịch sứ
Ký dữ lũng đầu nhân
Giang Nam vô sở hữu
Liễu tặng Nhất Chi Mai

Cảm động và thương nhớ người bạn quý nên Phạm Việp đã đem cành mai đó trồng và chăm sóc vun xới cẩn thận. Sau đó cành Mai này trở thành cây Mai có hoa nở cả bốn mùa, các nhà văn nhà thơ đã lấy hình ảnh Mai Tứ Quý hay còn gọi là Mai trường An, để ám chỉ về nhan sắc chim sa cá lặn của các giai nhân nổi tiếng, mà ta đã thấy trong lịch sử Trung Hoa, nhất là về Tây Thi và về Thái Chân.

Hoa Mai trong thơ, văn :

Những văn nhân thi sĩ thường ưa chuộng hoa Mai, vì họ bị ảnh hưởng của nho giáo và vì quan niệm rằng Hoa Mai là biểu tượng cao quí của lớp sĩ phu, quân tử. Bởi vì cây Mai rất dẻo dai, đứng sừng sững giữa trời mưa gió, khi đã rụng hết lá, thân cây trơ trụi, nhưng vào cuối tháng chạp vào những ngày Tết sắp đến thì khắp thân cây Mai đột nhiên đầy những nốt nụ xanh và trở thành búp chờ đợi lúc giao mùa thì mãn khai Hoa Mai nở rộ. Nhìn cảnh vật đầy sức sống của Mai, một cao tăng đời nhà Lý (1045-1096) là Mẫn Giác đại sư đã hứng khởi viết ra mấy câu kệ rất nổi tiếng ‘’Cáo Tật Thị Chúng’’, cho dến bây giờ còn truyền tụng :

Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa tươi
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước nở cành mai

Ý nghĩa của những câu kệ này như là một thông điệp gửi đến cho mọi người rằng phải kiên trì khi cuộc sống gặp nghịch cảnh mà trái lại phải vươn lên như cây Hoa Mai cành lá khô héo tưởng chừng như đã chết, ấy thế mà cây Hoa Mai sân trước, đêm qua đã nở hoa đầy cành khi giao mùa.

Cùng một ý tưởng ấy, có một bài thơ ‘’Tảo Mai’’ của nhà sư Tế Kỷ sống vào thời nhà Đường như sau :

Vạn mộc đông dục chiết
Cô căn noãn độc hồi
Tiền thân thâm tuyết lý
Tạc nhật nhất chi khai

Xin được phép tạm dịch thoát:

Nhiều cây lạnh giá chết dần
Hoa Mai thì khác, dần dần hồi sinh
Sống trong một kiếp điêu linh
Chợt đêm qua đã tự mình nở hoa

Vào thời Đại Đường lại rất thịnh hành về lối thơ Thất Ngôn ngâm vịnh. Nhầt là vào thời Bắc Tống thì lại có rất nhiều thi sĩ nổi tiếng không kém gì Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị đời Đường đã ca ngơi Hoa Mai bằng những bài vịnh Mai.

Một thi sĩ đặc biệt tên là Lam Pha, ông mê Mai đến nỗi cả đời chỉ thích ngắm Hoa Mai chứ không thèm ngắm nghía… đàn bà, ngay cả đến đàn bà đẹp nghiêng nước đổ thành ông cũng chẳng ham ! Một người nữa là Vương An Thạch (1021-1086) ông là Tể Tướng đời nhà Tống Thần Tông, nổi tiếng về mặt chính trị nhưng về mặt văn chương thi phú cũng không kém nổi danh nên ông đã để lại cho hậu thế nhiều bài văn, thơ nổi tiếng mà ta phải kể đến bài thơ ‘’Mai Hoa’’ được nhiều người ưa chuộng :

Tường dốc sổ Chi Mai
Lăng Hàn độc tự khai
Dao tri bất thị khuyết
Dữ mai tinh tác thập phần xuân

Xin được phép tạm dịch thoát :

Góc tường có mấy nhánh mai
Vui trong giá rét, trổ tài nở hoa
Nhìn xa tưởng tuyết nhạt nhoà
Nhưng không, hương đã đồng hoà xuân sang.

Người mà chẳng những ca tụng hoa Mai, nhưng lại còn ca ngơi cả thơ lẫn tuyết đó là thi sĩ Lư Mai Pha vì theo ông thì bất cứ là ai nếu đã có trong tay ba thứ kể trên thì coi như là họ đã có cả một trời xuân hạnh phúc, sự tuyệt vời có được ba thứ vừa kể đó đã làm tươi vui cuộc đời của họ :

Nhật mộ thi thành, thiên hữu tuyết
Dữ Mai tinh tác, thập phần xuân

Xin được phép tạm dịch thoát :

Vừa viết thơ xong thì đêm tới
Ngoài trời gió hú, tuyết pha sương
Góc tường hoa mai vui nở rộ
Lòng ta vui hưởng lúc xuân sang

Chẳng những chỉ có văn nhân thi sĩ mới sáng tác qua cảm hứng Hoa Mai mà cả hoạ sĩ cũng tìm hứng để vẽ, hoạ sĩ Trọng Nhân đã vẽ một cành hoa Mai màu đen trắng (ông đã dùng mực nước), nhìn thật sống động và có hồn. Tuy nhiên vẫn còn có người vẽ hoa Mai nổi tiếng hơn, ta phải kể đến vua Tống Huy Tông (1100-1125), thời Bắc Tống. Nhưng vì ham vẽ, mê chơi, vua lại ưa nghe theo bọn nịnh thần như Sài Kính, Trương Ban Xương v.v. nên đã làm cơ nghiệp nhà Tống bị giặc Kim ở phương Bắc chiếm đoạt vào năm 1127, khi vua Tống Huy Tông (lúc đó đã là Thượng Hoàng), bị giặc bắt cùng với vua tại vị là Khâm Tôn cùng nhiều yếu nhân khác của triều đình đã bị nước Kim đem về giam giữ ở Nội Mông và sau này bị chết tại đó. Vua Tống Huy Tông chỉ trị vì được 27 năm (1108-1135) nhưng ông cũng đã để lại cho đời nhiều bức tranh giá trị, trong số này có bức danh họa ‘’Kết năm màu trên nhành Mai’’, bức tranh này hiện Viện Bảo Tàng Boston (Hoa Kỳ) là sở hữu chù, và đang được trưng bày tại nơi đây.







Theo cụ Vương Hồng Sển, nhà học giả và khảo cổ học nổi tiếng của miền Nam Việt Nam viết trong quyển sách có nhan đề là ‘’ Sai Gòn Năm Xưa’’, thì hiện VN có hai loài Mai, một của Trung Hoa đã xuất hiện từ thời thượng cổ (mà kinh thi đã từng đề cập đến). Một giống khác là loại Mai Vàng nổi tiếng của VN, mãi tới nay người ta vẫn chưa truy tìm được nguồn xuất xứ của Mai Vàng xuất hiện vào thời đại nào. Cũng nên nói thêm rằng Mai vàng chỉ mọc ở Miền Nam VN, nó xuất hiện nhiều nhất ở tỉnh Quảng Nam và tỉnh Bình Thuận.

Riêng ở chung quanh Sài Gòn chỉ có giống Mai Trắng (Bạch Mai) ta thấy rất nhiều tại Chùa Cây Mai, Gò Mai và Chùa Gò (Phụng Sơn Tự). Giống Bạch Mai này cũng theo tác giả Vương Hồng Sển thì nó đã được đem từ bên Cao Miên về nước ta, và được trồng tại các nơi nói trên.

Mỗi độ Xuân về Tết đến, như đã nói ở trên, dù cho ở giai cấp nào trong xã hội - giầu, nghèo, sang, hèn – ai cũng muốn có hoa mai để trong nhà trong ba ngày Tết như cầu mong có được sự may mắn vì họ tin rằng hoa Mai sẽ đem may mắn, hạnh phúc đến cho cả gia đình mình - Ngày Tết mà có hoa Mai trong nhà thì đó là nguồn vui cho mọi người, cũng đã là tập tục đáng lưu truyền của dân tộc Việt chúng ta.



DƯƠNG HÀ





Ý Kiến Đóng Góp







Free Web Template Provided by A Free Web Template.com